KINH NGHIỆM ĐI DU LỊCH GIA ĐÌNH TỰ TÚC
Tính đến nay, gia đình Trang đã cùng nhau đi du lịch tự túc được 7 quốc gia là Thái Lan (Bangkok, Pattaya), Singapore, Malaysia (Kuala Lumpur, Langkawi), Hongkong, Hàn Quốc (Seoul, Nami), Campuchia (Phnom Penh, Sihanookville, Kohrong, Kohrong Saloem, Kampot, Kep) và Đài Loan. Chuyến đầu tiên là Thái Lan vào đầu năm 2015 khi bé Lumie mới được 1 tuổi 3 tháng và chuyến thứ 7 là Đài Loan vào tháng 3/2019 khi Lumie đã là bé gái 6 tuổi lém lỉnh.
Trong phạm vi bài viết này, Trang xin được chia sẻ lại những kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm đáng nhớ trong suốt 7 chuyến đi vừa qua. Hy vọng những thông tin có thể giúp các anh chị em có thể có được một chuyến đi tự túc thành công và đáng nhớ với chính gia đình mình
GIAI ĐOẠN 1: CHUẨN BỊ & LÊN CHƯƠNG TRÌNH
Do ông xã mình làm trong ngành hàng không – du lịch cũng hơn 15 năm rồi nên phần này ông xã mình đảm nghiệm là chủ yếu. Còn mình thì tham khảo thêm những thông tin mới, các review trên mạng, hay từ những vblogger để xem các clip chia sẻ thực tế.
Sau khi tham khảo, tìm hiểu hết các thông tin về điểm đến thì vợ chồng mình bắt đầu lên chương trình tự túc riêng cho mình bằng 1 file excel đơn giản nhưng rất chi tiết. File excel này theo thứ tự ngày (vd: Ngày 1, Ngày 2, Ngày 3) từ trên xuống, mỗi ngày sẽ là những hoạt động, những điểm tham quan, cùng thông tin về phương tiện vận chuyển (làm sao để đến đó) và cách thức, chi phí để mua vé vào điểm tham quan (nếu có).

Sau đây, mình chia sẻ chi tiết hơn như sau
1. Vé máy bay:
Ngày nay có rất nhiều sự lựa chọn cho vấn đề này. Việc của mình chỉ là tìm 1 hành trình bay phù hợp và giá vé hợp lý => vậy là xong. Sau đó, mình sẽ thiết kế chương trình riêng dựa vào hành trình bay mà mình đã chọn.
Ví dụ: hiện tại có rất nhiều chuyến bay từ TP. HCM đến rất nhiều thành phố lớn ở Đài Loan như Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Cao Hùng. Hiện có Vietnam Airlines, Eva Air và Vietjet Air là có bay đến Đài Loan, nhưng chỉ Vietjet Air là bay đến hết 4 thành phố trên. Sau khi tham khảo, gia đình mình quyết định chọn bay đến Đài Bắc trước rồi đi dài xuống phía nam và về lại TP.HCM từ Cao Hùng.
VJ840 SGN-TPE 01:00 – 5:25
VJ889 KHH-SGN 16:10 – 18:40
Với giờ bay này thì gia đình mình hầu như có nhiều thời gian hơn để khám phá Đài Loan. Chưa kể giá vé của Vietjet Air cũng khá hợp lý và tiết kiệm hơn nhiều so với giá vé của Vietnam Airlines hay Eva Air.
2. Khách sạn:
Lần nào cũng vậy, việc chọn lựa khách sạn để book luôn là 1 việc vừa hứng thú (vì có rất rất nhiều options với rất nhiều thông tin, hình ảnh) vừa mất nhiều thời gian để tham khảo lựa chọn. Để chọn được khách sạn phù hợp cho gia đình mình, bạn phải đặt ra các tiêu chí riêng và sắp nó theo thứ tự ưu tiên để mình sàng lọc từ từ các khách sạn mà mình “chấm điểm” => sự lựa chọn cuối cùng
Đối với gia đình mình, các tiêu chí lựa chọn là:
- Vị trí (location): gần trung tâm, các trạm tàu điện ngầm để thuận tiện đi lại và “loanh quanh” vào ban đêm
- Khách sạn hay resort: cái này thì tùy điểm đến. Nếu mình đi Kohrong hay Kohrong Saleom thì chắc chắn là ưu tiên chọn resort hơn vì đó là vùng biển, còn ở các thành phố hiện đại thì hotel là ok. Nếu chọn resort thì thường là ở khu vực hơi cách biệt trung tâm thành phố, không phù hợp gia đình mình và cũng không cần thiết.
- Chi phí: tùy vào khả năng tài chính của mỗi gia đình và tùy vào mặt bằng giá khách sạn của mỗi điểm đến mà mình chọn mức chi phí nào thích hợp với mình. Với gia đình mình, thường thì chọn khách sạn 3 sao, thậm chí 2 sao cũng có (vd: ở Hongkong chi phí rất đắt nên mình chỉ chọn khách sạn 2 sao, phòng nhỏ như cái lỗ mũi, nhưng nằm ngay khu Tsim Sha Tsui rất thuận tiện đi lại và cũng đông đúc), đôi khi lại chọn 4-5* cũng có vì giá hợp lý, không quá đắt (vd: mình book resert THE ONE – 4* ở Kohrong Saloem mà chỉ hơn 1tr/đêm/bungalow, hoặc BAIYOKE SKY – 4* ở Bangkok cũng chỉ hơn 1 triệu/đêm/ phòng to hơn 40m2 ở trên cao tòa nhà và bao gồm cả ăn sáng buffet rất ngon => rẻ hơn cả cái khách sạn 2* ở Hongkong thì tội tình gì mà không book để cả nhà enjoy 🙂 )
3. Thiết kế chương trình tour:
Căn cứ vào thông tin vé máy bay và khách sạn đã chọn cũng như những thông tin cơ bản đã tham khảo được, mình bắt đầu xây dựng lịch trình cụ thể theo từng ngày. Trong mỗi ngày, sẽ là lịch trình cụ thể. Để xây dựng lịch trình hợp lý, mình dùng google maps để định vị các điểm đến, điểm tham quan…và từ đó sắp xếp theo thứ tự và liền kề nhau để tiện di chuyển. Thậm chí, mỗi điểm tham quan mình cũng định sẵn khoảng bao nhiêu thời gian là vừa để tính toán xem trong 1 ngày, hay 1 buổi có thể tham quan được khoảng bao nhiêu điểm. Đây chính là bước hoàn chỉnh bản lịch trình của gia đình mình.
Mỗi thành phố du lịch luôn có rất nhiều điểm tham quan hoặc các hoạt động để mình enjoy, và 1 ngày thì chắc chắn không bao giờ có thể khám phá hết. Nguyên tắc của mình là tìm hiểu càng nhiều càng tốt và chọn các điểm phù hợp gia đình mình vào chương trình. Và khi thực tế thì có thể chọn lựa thực hiện, cắt điểm này, thêm điểm kia…. Thông thường mình sẽ đi được khoảng 80% số điểm đến mà mình đưa vào lịch trình ra.
GIAI ĐOẠN 2: BOOKING
Sau khi đã lên chương trình xong xuôi hết, giai đoạn tiếp theo là “booking”, tức là tiến hành book dịch vụ thật.
- Vé máy bay: Book và xuất vé
- Hotel: Book và xuất voucher khách sạn. Tùy khách sạn và loại phòng mà có thể thanh toán tại khách sạn hoặc thanh toán trước bằng thẻ ngân hàng.
- Bảo hiểm du lịch: book và xuất bảo hiểm du lịch (AIG hoặc CHUBB). Phí bảo hiểm không bao nhiêu, nhưng nó đem lại cho mình sự yên tâm và không lo sợ trước bất cứ sự cố gì vì đã có bảo hiểm lo.
-
Bảo hiểm du lịch chuyến đi Đài Loan của gia đình mình - Vé tàu lửa: thường là xuất luôn vì không giữ được. Nếu không xuất trước thì có thể mua vé sau tùy tình hình cho phép.
- Vé các khu vui chơi, giải trí, (vé vào cổng), các gói dịch vụ (như của KLOOK, KKDAY): cái nào mình thấy “chốt” được thì mình xuất luôn.
- Các dịch vụ khác (như book taxi / xe riêng …): chốt với nhà cung cấp và thanh toán theo thỏa thuận. Đối với thuê xe taxi 1 ngày thì mình thường thỏa thuận chốt với nhà cung cấp hoặc tài xế xong là ok, không cần phải thanh toán trước, khi qua đó họ phục vụ mình xong thì mình thanh toán + tip thêm cho họ. Chủ yếu dựa vào sự tin tưởng nhau là chính.
- Visa: nếu điểm đến phải có visa thì mình sẽ tiến hành xin visa trước rồi mới xử lý các dịch vụ tiếp theo sau. Nói chung đẹp nhất là có kết quả visa rồi thì book và xuất vé, khách sạn… cho chắc ăn, tránh trường hợp đã xuất vé xong mà sau đó rớt visa thì lại phiền phức. Lúc đi Hongkong thì mình tiến hành làm visa trước, trong thời gian chờ đợi kết quả thì chuẩn bị các bước còn lại nhưng chưa xuất hay thanh toán một dịch vụ gì hết, đợi có kết quả visa thì mới chốt luôn. Còn khi đi Đài Loan, do mình đã có visa Hàn Quốc nên được miễn visa Đài Loan, có nghĩa là mình dùng visa Hàn Quốc để xin visa online miễn phí vào Đài Loan (ROC Travel Authorization Certificate). Tất nhiên, trong thời gian chờ đợi kết quả visa thì mình có thể tranh thủ book vé máy bay (book nhưng chưa xuất vé, chỉ giữ chỗ), book khách sạn (chọn những khách sạn cho free cancel và có deadline cancel xa để book)…

GIAI ĐOẠN 3: KHỞI HÀNH
Sau khi mọi thứ đã “chốt” xong hết, tức là đã “sẵn sàng” thì chỉ chờ đến ngày khởi hành. Trong thời gian này, gia đình mình chuẩn bị quần áo, giày dép cho phù hợp. Đồng thời cũng không quen tham khảo thêm thông tin để xem có gì hay hơn, có gì mới hơn, nếu có thì sẵn sàng “refresh” lại chương trình để hành trình của mình thêm phần thú vị.
Và trước ngày khởi hành, việc mà mình luôn làm, đó là “check-in online” vé máy bay (làm thủ tục trực tuyến). Việc check-in online giúp gia đình mình chủ động lựa chọn chỗ ngồi trước và tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục ngoài sân bay, vì thông thường các hãng sẽ có 1 quầy phục vụ riêng những khách đã làm check-in online. Như vậy mình đỡ phải mất thời gian để xếp hàng.

GIAI ĐOẠN 4: THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ LÊN
Khi vừa đáp xuống sân bay, bạn sẽ thấy ngay giá trị của những thông tin mà mình đã dày công tham khảo. Nhờ những thông tin đó mà mình luôn chủ động chứ không rơi vào trạng thái “giờ sao ta???”. Ví dụ như khi đến sân bay Đài Bắc thì biết việc tiếp theo cần làm là gì, rồi làm sao để di chuyển về trung tâm, rồi về đến ga trung tâm thì làm sao để về được khách sạn…. Tất cả những việc đó, tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng nếu kg chuẩn bị kỹ thì sẽ vô cùng bối rối.
Mình có 1 nguyên tắc: “Thà tham khảo hết các thông tin mà chỉ dùng 1 số thông tin, còn hơn chỉ tham khảo đúng thông tin mình cần”. Bởi vì khi vào tình huống thực tế, những thông tin tham khảo “dư thừa” sẽ là những thông tin dự phòng (back-up) để lỡ như có gì thay đổi thì mình còn biết cách xử lý phù hợp. Nhờ vậy mà các hành trình của mình đều thuận lợi dù thực tế đôi khi vẫn có những sự cố không như mong đợi.
Và khi mà các bạn thực hiện được những gì các bạn “vạch ra” 1 cách trót lọt thì các bạn sẽ có cảm giác thật thú vị. Đó là cảm giác của sự “làm chủ”: làm chủ chuyến đi, làm chủ tình huống, làm chủ mọi thứ và không gì có thể đánh gục bạn! Kiểu như mình tự trồng cây và giờ là lúc mình thưởng thức trái ngọt vậy. Đó chính là cái cảm giác mà gia đình mình rất thích và là lý do mình thích du lịch tự túc là vậy. Khi mình đi tour ghép, mọi thứ đã có người khác lo sẵn, mình chỉ việc đi theo. Nó không mang tính “thử thách” cao nữa, và mình cũng chẳng phải là người “làm chủ” chuyến đi, mình chỉ là người tham gia, được phục vụ.
Cái gì khó, mà tự tay làm được, tự tay chinh phục nó, thì cảm giác luôn rất thú vị !!!
*** MỘT SỐ LƯU Ý THÊM:
Một số “mách nước” khác từ kinh nghiệm của mình để chuyến đi thêm thuận lợi
- Tiền bạc:
- Chuẩn bị lượng tiền mặt vừa phải. Nên đổi tiền tại Việt Nam trước khi đi hoặc có thể đổi một ít vừa đủ dùng ngay tại sân bay của nước sở tại. Ở sân bay thì tỷ giá luôn không tốt cho mình. Nếu đổi nhiều tiền, nên vào trong thành phố.
- Nên mang theo 1 thẻ VISA / MASTER để dùng khi cần và có sẵn tiền trong đó. Vì ở nước ngoài việc “quẹt thẻ” là việc rất bình thường và hay sử dụng, nên cái gì “quẹt” được thì quẹt cho nó tiện. Tiền mặt chỉ dùng khi cần thiết và ăn uống mua sắm lặt vặt. Hơn nữa, thẻ ngân hàng cũng là để back-up cho trường hợp lỡ xui rủi bị mất hết tiền mặt thì vẫn còn”cứu cánh”. 🙂
- Bản đồ:
- Khi ở nước ngoài, phải đảm bảo lúc nào trong người cũng có bản đồ, không cần biết là bản đồ giấy hay bản đồ trên smartphone, ipad. Để làm gì?? Để định vị, để không đi lạc, để biết đường về khách sạn.
- Ngoài bản đồ thành phố, còn 1 bản đồ khác mà mình luôn có trong người, đó là bản đồ metro của thành phố đó. Vì gia đình mình luôn sử dụng phương tiện công cộng, trong đó metro là chủ yếu, nên bản đồ metro là thứ không thể thiếu được
- App:
- Ngày nay, khi công nghệ phát triển thì các app là thứ không thể thiếu được và rất hữu dụng. Trước mỗi chuyến đi, mình luôn tải sẵn những app hữu dụng nhất vào trong cái smartphone để dùng khi cần. Những app hữu dụng thường là:
- App bản đồ, metro
- App về du lịch, điểm tham quan của thành phố
- App về ngoại ngữ
- App về tàu lửa
- Mạng internet / 4G:
- Đây là vấn đề “sống còn” và vô cùng quan trọng. Nếu điện thoại của bạn không có mạng internet, không có 3G, 4G thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Làm sao để khi vừa đặt chân đến nước sở tại thì điện thoại phải sẵn sàng kết nối mạng.
- Có rất nhiều cách để kết nối internet ở nước ngoài:
- Roaming: ngày nay có rất nhiều gói roaming với chi phí hợp lý từ các nhà cung cấp như VIETTEL, MOBIFONE, VINAPHONE. Bạn có thể tham khảo để chọn lựa gói roaming phù hợp cho mình và thực hiện roaming ngay trước khi lên máy bay. Khi qua đến nước ngoài, chỉ cần tắt, mở điện thoại là sẽ tự động hòa mạng ở nước ngoài và có thể truy cập được internet. Nhưng nên nhớ 1 điều: phải kiểm soát data trong máy của mình, hay nói chính xác hơn là tắt tất cả những ứng dụng không cần thiết, chỉ để mở data dùng cho các ứng dụng cần thiết (internet browser, google maps…), để tránh trường hợp các app tự động tải và tải và kết quả là bạn nhanh hết data hoặc thậm chí là 1 cái bill to đùng cho những ai thuê bao trả sau.
- Pocket wifi: đây là thiết bị ngày càng được ưa chuộng và dễ sử dụng. Nếu không cho là rườm rà thì bạn có thể thử sử dụng. Gia đình Trang sử dụng nó trong chuyến đi Đài Loan và cảm thấy rất tiện ích: ít tốn pin điện thoại, cùng lúc vào mạng được nhiều máy, vào mạng rất nhanh, chi phí hợp lý. Có thể thuê trước ngay tại Việt Nam và về Việt Nam trả.
Thiết bị phát wifi – wifi pocket rất tiện lợi mà gia đình mình đã thuê sử dụng trong chuyến đi Đài Loan
- Ngày nay, khi công nghệ phát triển thì các app là thứ không thể thiếu được và rất hữu dụng. Trước mỗi chuyến đi, mình luôn tải sẵn những app hữu dụng nhất vào trong cái smartphone để dùng khi cần. Những app hữu dụng thường là:
- Thẻ đa năng “all in one” : đây là thứ không thể thiếu được và được sử dụng rất nhiều ở các nước phát triển. Nó là loại thẻ tích hợp sử dụng cho các phương tiện giao thông công cộng và thậm chí còn có chức năng như thẻ ngân hàng khi có thể được chấp nhận để mua hàng ở 1 số điểm quy định. Tùy vào mỗi nơi mà nó có tên gọi khác nhau như thẻ Octopus (Hongkong), thẻ EZ-link (Singapore), thẻ Easy Card (Đài Loan)…. Đây là cái mà gia đình Trang luôn phải mua mỗi khi du lịch nước ngoài, chỉ trừ khi nào quốc gia hay thành phố đó không có thì mới không mua mà thôi. Bạn nên mua, vì nó rất tiện ích và tiết kiệm thời gian của bạn, giúp chuyến đi thêm phần thuận lợi.

Hy vọng với những chia sẻ đúc kết được từ những chuyến đi tự túc của gia đình mình sẽ giúp ích được các bạn nếu như các bạn cũng yêu thích du lịch gia đình tự túc. Du lịch tự túc hay đi theo tour đều có những ưu điểm và hạn chế hoặc rủi ro riêng, nhưng nếu như bạn đã dám mạnh dạn cùng gia đình lang thang ở một nơi không phải là của mình một lần trong đời, chắc chắn bạn sẽ thu hoạch được rất nhiều, rất nhiều sau chuyến đi đó. Kiểu như “vượt qua chính mình”, hoặc enjoy những thứ mà nếu đi theo tour bạn không bao giờ có cơ hội enjoy được. Và sau tất cả, điều mình luôn cảm thấy ý nghĩa nhất và hài lòng nhất, đó không chỉ là đi chơi, mà còn là dạy con qua những bài học thực tế, những tình huống thực tế trên chuyến đi. Ví dụ như trên các tàu metro thì luôn có những ghế dành riêng cho phụ nữ có thai, người lớn tuổi; và nếu như một ai đó không thuộc đối tượng ưu tiên mà ngồi vào ghế đó thì là “mất lịch sự”. Con mình đã học được cách phải tôn trọng, ưu tiên cho phụ nữ (có thai) và người lớn tuổi. Thậm chí, khi metro đông người, con mình còn biết chủ động đứng lên để nhường ghế cho những cụ ông, cụ bà. Việc như vậy không lớn, nhưng mình cảm thấy rất hài lòng. 🙂

Chúc các bạn cũng sẽ có những chuyến đi thật vui vẻ và bổ ích. Và nếu cần thêm thông tin hay tư vấn, trợ giúp gì, các bạn cứ liên hệ với mình (Ms Trang – 019 89 888 98). Mình luôn sẵn lòng. 🙂
TRANG trip